Giay dep - Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp da giày nước ta bắt đầu nhộn nhịp trở lại từ quý II/2013 đến nay khi lượng đơn hàng xuất khẩu gia tăng và ổn định cho đến cuối năm.
Những tín hiệu khả quan này cùng nhiều cơ hội kinh doanh mới đã mở ra nhiều hy vọng cho ngành da giày trong năm 2014, sau khi đã hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt hơn 8,3 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2012.
Mặc dù ngành giày dép được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn, đơn hàng xuất khẩu sẽ gia tăng nhưng giày dép xuất khẩu vào các thị trường nhất là EU hay Hoa Kỳ đều yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp ngành da giầy Việt Nam phải đầu tư phát triển mạnh công nghệ, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, xuất khẩu da giày của Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thị trường thế giới hiện có nhiều biến động và việc nguyên liệu sản xuất phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa mới chỉ chiếm 40 - 45% (chủ yếu là đế giày và chỉ khâu giày) trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu.
Về lâu dài, ngành da giày cần đẩy mạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Lan Hương