Năm 2013, kim ngạch XK của ngành da giày đạt 10,3 tỉ USD, vượt 3% so với kế hoạch năm và tăng 18% so với năm 2012. Trong đó kim ngạch XK túi xách, vali, cặp đạt 1,9 tỉ USD, tăng 26%, kim ngạch XK giày dép đạt 8,4 tỉ USD tăng 15%, so với cùng kì năm 2012.
Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, năm 2013, kim ngạch XK của ngành da giày đạt mức tăng trưởng khá nhờ sự chuyển biến tích cực của các thị trường NK. Cụ thể, trong năm qua thị trường XK chính của ngành da giày là EU đã có mức tăng trưởng nhẹ do thị trường này đã bắt đầu hồi phục. Năm 2013, kim ngạch XK da giày vào thị trường EU đạt 3,4 tỉ USD, chiếm 33% trên tổng kim ngạch XK của toàn ngành.
Trong đó kim ngạch XK giày dép đạt 2,8 tỉ USD tăng 37% so với năm 2012. Hiện Việt Nam XK da giày đang là nước đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) vào thị trường EU với thị phần khoảng 8,5%. Bên cạnh thị trường EU, kim ngạch XK của ngành da giày vào thị trường Mỹ cũng tăng mạnh trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng năm 2012, kim ngạch XK của ngành da giày vào thị trường này đã tăng 3.462 tỉ USD. Hiện Việt Nam cũng là đối tác XK sản phẩm da giày lớn thứ hai vào thị trường Mỹ, tuy nhiên thị phần cũng mới chỉ đạt 8,4 tỉ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả XK tích cực, sản xuất tiêu thụ nội địa của ngành da giày trong thời gian gần đây đã có dấu hiệu giảm sút do bị ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn chung của thị trường và khủng hoảng kinh tế thế giới. Hiện tại tổng dung lượng thị trường nội địa của ngành da giày khoảng từ 130 -140 triệu đôi, tương đương với khoảng 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên sản lượng sản xuất và tiêu thụ giày dép do DN trong nước chỉ đạt khoảng từ 70-75 triệu đôi, chiếm tỉ trọng khoảng 55% còn lại chủ yếu là hàng Trung Quốc nhập qua đường tiểu ngạch.
Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam, trong năm 2014, ngành da giày sẽ được hưởng lợi nhiều từ các Hiệp định ưu đãi thuế quan từ phía các thị trường NK chính của ngành như Mỹ, EU và các nước ASEAN. Năm 2014, ngành da giày đã được đưa ra khỏi danh mục trưởng thành của EU và được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) trong thời gian 3 năm kể từ ngày 1-1-2014 đến ngày 31-12-2016.
Theo đó, trong 3 năm tới, mức thuế áp dụng cho sản phẩm giày dép có xuất xứ từ Việt Nam sẽ được giảm xuống còn từ 3,5-4% thay vì 7,69% như trước đây. Với việc EU tiếp tục dành ưu đãi thuế quan theo GSP cho các sản phẩm giày dép của Việt Nam là tin vui cho ngành XK da giày bởi nhiều năm qua EU là thị trường XK quan trọng nhất của ngành da giày Việt Nam. Thời gian qua, các nước EU gặp khó khăn về kinh tế, nên lượng hàng XK sang thị trường này cũng bị thu hẹp. Việc được hưởng ưu đãi thuế sẽ giúp cho sản phẩm da giày của Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với các sản phẩm cùng loại ở những quốc gia khác XK vào EU.
Bên cạnh chế độ GSP, việc kí kết FTA Việt Nam-EU trong thời gian tới cũng được kì vọng là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hàng hóa XK của Việt Nam và cho ngành da giày nói riêng. Theo đó sẽ có ít nhất 90% dòng thuế hàng hóa XK của Việt Nam vào EU sẽ được miễn thuế NK vào thị trường này. Việc kí kết một FTA với EU sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho DN để tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU. Tuy nhiên cũng buộc các DN phải tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế và các vấn đề pháp lí.
Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN mà Việt Nam đã kí kết, hầu hết cam kết thuế quan của các nước thuộc khối ASEAN năm 2014 là từ 1% -3% đến 2015 là 0% đối với giày dép các loại. Với hiệp định này ngành da giày Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là nguyên phụ liệu. Đồng thời thị trường XK của Việt Nam cũng được mở rộng qua việc tiếp cận với thị trường ASEAN và các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây cũng là cơ hội để ngành da giày tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu.
Trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), bên cạnh dệt may, giày dép được xem là mặt hàng sẽ được hưởng lợi nhiều và kì vọng gia tăng XK thông qua cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kì, Nhật Bản hay các thị trường tiềm năng mà Việt Nam chưa kí kết các Hiệp định thương mại tự do như Canada, Mehico, Peru…
“Với các cơ hội như trên cùng với sự nỗ lực của các DN, mục tiêu XK của ngành da-giày-túi xách năm 2014 đạt ít nhất là 12 tỷ USD”, Chủ tịch Hiệp hội da, giày, túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn cho biết.
Nguyễn Huế