Ông Bahjat Majeed ngồi bắt chéo chân trong cửa tiệm nhỏ của mình và chăm chú hoàn thiện những bước cuối cùng trên đôi giay dep đóng theo phong cách truyền thống của quê hương ông ở thị trấn Halabja, Iraq.
Anh Majeed trong tiệm đóng giày của mình.
Nằm ở khu vực miền núi gần biên giới Iran, cách thủ đô Baghdad khoảng 250 km về phía đông bắc, thị trấn Halabja là nơi có nhiều người thợ khéo tay làm ra những đôi giày klash truyền thống. Nhiều thế kỉ đã trôi qua và nền kinh tế trong khu vực đã phát triển mạnh mẽ, nhưng những đôi giày klash vẫn giữ được vị trí quan trọng của chúng trong văn hóa của người Kurd.
Giày klash có xuất xứ từ Hawraman thuộc vùng núi Kurdistan, nơi người Kurd sinh sống. Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế địa phương, đồng thời là nguồn cung cấp nguyên liệu thô để làm ra những đôi giày klash. Theo truyền thuyết, người đầu tiên sử dụng giày klash là một nhà tiên tri có tên là Zoroaster.
Giày “klash” được làm theo phương pháp thủ công một cách tỉ mẩn. Đế của chúng được làm từ chất liệu sợi vải và da bò, phần mũi giày được đan bằng lông cừu. Nam giới thường “diện” giày klash trong những dịp đặc biệt như lễ đón chào năm mới Nowruz của người Kurd.
Đôi giày klash truyền thống của người Kurd.
Những đôi giày “klash” thường có ba màu trắng, đỏ hoặc xanh nước biển. Cũng có khi cả ba màu sắc này được kết hợp trên một đôi giày. Một điểm thú vị của loại giày này là chúng không có sự phân biệt giữa chiếc trái và chiếc phải. Ngoài ra, chúng còn nức tiếng xa gần về độ bền chắc.
Năm nay 34 tuổi, anh Majeed đã là một bậc thầy trong nghề làm giày klash. Vừa nói chuyện, anh vừa khéo léo luồn những sợi vải qua các ngón chân trước khi cho vào những chiếc máy nhỏ dùng để bó chúng lại với nhau tạo hình chiếc đế giày. Anh nói một cách đầy tự hào: “Tôi đã làm nghề này 15 năm nay và không nghĩ là có bất kỳ công việc nào tốt hơn công việc này. Tôi làm ra một biểu tượng truyền thống trong văn hóa của người Kurd. Điều này thật là tuyệt vời”.
Không chỉ là tạo công ăn việc làm cho những người thợ đóng giày như Majeed, những đôi giày klash còn là kế sinh nhai của không ít người bán hàng rong trên phố. Cách cửa hàng của Majeed một vài mét, Akram Mustafa đang mời chào khách qua đường chọn mua một đôi giày klash. 16 năm trước trong lúc thất nghiệp, Mustafa tình cờ “bén duyên” với những đôi giày klash truyền thống của người Kurd và kể từ đó, anh bắt đầu công việc bán giày trên đường phố. Cũng kể từ đó, tình yêu mà Mustafa dành cho loại giày này, vượt lên trên những giá trị vật chất mà chúng mang lại, cũng lớn dần theo năm tháng. Mustafa chia sẻ: “Tôi yêu giày klash mặc dù chúng không mang lại nhiều tiền”.
Không chỉ được những người Kurd ở trong nước ưa chuộng và trân trọng, giày klash còn tìm được đường ra với thế giới bên ngoài. Những người thợ đóng giày ở Halabja cho biết họ nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn từ nước ngoài. “Chúng tôi nhận được không ít đơn đặt hàng từ các nước khác, hoặc từ những người Kurd muốn đặt đóng giày làm quà cho bạn bè sống ở nước ngoài”, Abu Baqr, chủ một cửa hàng bán giày klash trong thị trấn, tâm sự.
Nhưng quan trọng hơn cả, theo ông Abu Baqr, giày klash còn tạo ra một tình cảm tự hào cho người Kurd. “Giày klash là giày của người Kurd và không gì có thể thay thế”, Abu Baqr quả quyết.
Anh Minh (Theo AFP)