God Save My Shoes, bộ phim tài liệu của Julie Benasra đã khám phá mối quan hệ mật thiết và phức tạp giữa phụ nữ và giày cao gót thông qua lăng kính lịch sử, xã hội và giới tính. Bộ phim đã phỏng vấn các nhà nghiên cứu lịch sử thời trang, nhà thiết kế hàng đầu và những khách hàng đặc biệt của họ, để tái hiện quá trình giày cao gót trở thành hiện tượng thời trang như hiện nay.
Áp phích phim Chúa cứu vớt đôi giày của tôi
Phụ nữ hiện nay coi giày cao gót là một phụ kiện thời trang để thể hiện nữ tính. Nhưng giày cao gót đã là nỗi ám ảnh của phụ nữ từ thế kỷ XV, khi các cô gái điếm hạng sang ở Venice biến chúng trở thành thời trang. Nam giới có thể băn khoăn tại sao phụ nữ đánh đổi sự thoải mái để đi những đôi giày cao gót kỳ quặc mà cánh mày râu thường không để ý. Nhưng điều đó cũng chả cản được phụ nữ vẫn dí mắt vào các cửa hàng giày.
Tưởng là kỳ quặc mà lại được chuộng
Trong số những người “nghiện giày” xuất hiện trong bộ phim God Save My Shoes (tạm dịch: Chúa cứu vớt đôi giày của tôi), đáng chú ý nhất là Beth Shak, một người chơi bài poke chuyên nghiệp. Cô nói cô có tới 1.200 đôi giày cao gót, trong đó 300 đôi cô chưa từng xỏ chân vào. “Tôi không bao giờ đi những đôi giày đó bởi chúng không thoải mái. Nhưng tôi mua vì chúng đẹp đến nỗi tôi muốn sở hữu” - Shak nói. Ca sỹ Kelly Rowland cũng là một người yêu giày cao gót. Cô ví mua giày cao gót giống như sưu tập các tác phẩm của danh họa Rembrandt. “Giày (cao gót) cũng giống như tác phẩm nghệ thuật. Khi mua giày, tôi chắc chắn mình đang mua một tác phẩm nghệ thuật”.
Thời trang không thể thiếu
Phụ nữ mua giày cao gót ít nhiều đều vì thích. Báo cáo của công ty nghiên cứu Capgemini năm 2008 cho thấy, sau khi phát hành bộ phim Sex and the City, doanh số bán giày nữ trực tuyến tại Anh tăng tới 17%. Tất nhiên, điều quan trọng nhất là đi giày cao gót làm cho phụ nữ trông cao hơn, thanh mảnh hơn và quyến rũ hơn. Giày cao gót lúc nào cũng là món thời trang thời thượng đối với phụ nữ. Elizabeth Semmelhack, giám tuyển tại Bảo tàng Giày Bata, Toronto cho biết: “Ở phương Tây, giày dép biểu hiện cho vị thế. Giày cao gót xuất hiện cùng váy kiểu phương Tây vào cuối thế kỷ XVI và được cả phụ nữ cũng như cánh mày râu sử dụng cho đến tận những năm 1970 khi nam giới bỏ rơi giày cao gót và nó trở thành thời trang độc quyền của phụ nữ”.
Đến thế kỷ XX, đặc biệt sau Thế chiến II, giày cao gót phát triển cả về hình dáng và kích cỡ, trở thành biểu tượng của nữ tính và sự quyến rũ. Theo nhà thiết kế giày Christian Louboutin, “hình dáng bàn chân khi phụ nữ đi giày cao gót giống như hình dáng của đôi chân khi họ cảm thấy cực khoái”. Valerie Steele, giám tuyển tại Bảo tàng Học viện công nghệ thời trang, New York cũng cho rằng có mối quan hệ giữa giày cao gót và sex. Nhưng giày cao gót còn hơn cả biểu hiện của tình dục. “Mỗi đôi giày cho tôi một trạng thái khác, biến tôi trở thành một con người khác, một nhân vật khác”, nữ doanh nhân Janet Berardi chia sẻ. Fergie, ban nhạc Black Eyed Peas khẳng định: “Đôi giày sẽ nói lên bạn là ai. Nó sẽ kể câu chuyện về bạn”. Fino, biên tập viên tạp chí Vogue cho rằng, giày cao gót là một yếu tố có thể thay đổi hoàn toàn hình thức cũng như hành vi của bạn. “Nó đầy cảm xúc, có thể thay đổi con người bạn, cách bạn nhận thức và cảm nhận về chính mình. Những phụ kiện thời trang khác không có được sức mạnh ấy”. Nhà thiết kế giày người Pháp Hardy đồng tình: “Giày có ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Nó nói lên nhân dạng của phụ nữ. Một vật nhỏ nhưng có thể thay đổi mọi thứ. Tôi nghĩ giày dép là cảm xúc, nói lên điều bạn muốn, cái bạn cần. Nó phản ánh nhu cầu cơ bản của phụ nữ”...
Xem thêm: giay chien binh, giay sandal
Hà Khanh
Theo Korea Times